Trang

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

11. Đời

EM.
Tôi ngồi nói chuyện tào lao với các em lớp chồi.
- Ai mua bánh cho con?
- Cha con.
- Còn bé này, ai mua xôi cho con?
- Mẹ?
- Tụi con có cha có mẹ, sướng quá! Bác mồ côi cả cha lẫn mẹ luôn. Từ sáng tới giờ chẳng có ai cho bác tiền mua xôi, mua bánh. Đói quá! Khổ quá à! Tụi con cho bác một miếng đi… cho không?
- Không!
- Thấy chưa? Không cha không mẹ, khổ biết bao!
Bé Tuyền của Em tiu nghỉu.
- Con cũng không có cha luôn.
- Ủa, con có cha mà.
- Mẹ con đuổi cha con rồi.
- Thiệt sao? Mẹ con đuổi cha con hồi nào?
- Cha con về bên nội một tháng, rồi quay lại dựng chòi ở riêng.

- Thế con có qua chòi thăm cha con không?
- Mẹ con hổng cho.
Bé Tuyền rưng rưng nước mắt. Tôi muốn khóc theo.
EM.
Tôi đi vội vào trong xóm để tìm hiểu nguyên nhân tình thế thái. Còn bé Tuyền thì vẫn đứng xớ rớ ở đó, chẳng giống ai, chẳng bằng ai…
1.
Cách nay chừng mười năm có một người đàn ông từ miền trên xuống đào đất mướn cho gia đình Em. Người ấy khoẻ như voi, đào đất hì hục, làm nhiều nói ít. Em là gái ba mươi, lỡ thời nhưng mặn mà. Mẹ Em thì gần đất xa trời, những mong cho Em có chỗ nương tựa, để bà an tâm ra đi.
Em nấu cơm cho thợ, bưng cơm cho thợ,… nói chuyện như sáo, liếc mắt đưa tình. Anh thợ khoẻ như voi, bây giờ lại hay nói, nói ỡm ờ. Mẹ Em mừng thầm, lâm râm khấn vái: “Lạy Trời, lạy Phật cho con tôi lấy được…chồng”. Hai đứa thậm thọt, hai đứa hú hí, mẹ Em quay mặt làm ngơ.
Cuối mùa đào đất, đám thợ rửa vá lục tục về quê. Anh thợ khoẻ như voi cũng vác vá đi, tỉnh bơ, chẳng thương chẳng nhớ. Thì ra hắn đã có vợ. Thế là Em ôm hận, vì chỉ được làm mẹ mà không được làm vợ. Dư luận trong xóm rộn lên một thời. Người ta chửi Em. Người ta kết án Em. Rồi người ta quên bẵng đi…
2.
Em chắt chiu nuôi con, đứa con không có cha, oặt ẹo và chậm biết nói. Em cúc cung tận tuỵ nuôi mẹ, người mẹ rầu rĩ, lầm lì như người bất mãn kinh niên…Thế rồi mẹ Em ra đi, về bên kia thế giới, hai mắt khép không được, vì Em chưa thành gia thất. Bứt rứt vô cùng!
Em thao thức lấy chồng. Lấy chồng để báo hiếu, để mẹ Em yên tâm ở nơi chín suối. Bỗng có một người đàn ông đạp xe đi bán kẹo kéo, ghé nhà Em xin miếng nước. Em múc nước cho người ấy một ca nước, tự nhiên thấy lòng mình rạo rực, thương thương. Người ấy uống ca nước mà tay run run. Em nghĩ là Trời Phật run rủi. Người đàn ông đã năm mươi ngoài mà tứ cố vô thân, nên muốn dừng chân, chấm dứt cảnh phiêu bổng. Một năm cơm thú phạt với xóm giềng, thế là xong. Căn chòi xơ xác của Em bỗng trở thành mái nhà ấm cúng.
Người đàn ông ngoài năm mươi mới lấy được vợ, thương vợ quá chừng. Người đàn bà có con mà chưa làm vợ nay lấy được chồng, sung sướng vô cùng. Sống với người đàn ông ấy chưa đầy ba năm. Em đã có thêm hai mặt con nữa. Bốn công ruộng, hai công vườn, đủ sống qua ngày.
3.
Ngày tháng trôi đi, êm ả như dòng sông hiền hoà. Đùng một cái, người đàn ông cuốn gói ra đi, âm thầm lưạng lẽ như ngày vào xin nước uống. Lại tứ cố vô thân. Lại bềnh bồng nổi trôi. Trôi về đâu? Không ruộng, không vườn, không một đồng xu dính túi. Có vợ, bị vợ đuổi. Có con, con không dám nhìn. Người đàn ông sa xuống tận đáy vực thẳm của định mệnh. Sáu mươi tuổi đời, mặt choắt như mặt chuột, chẳng dám nghĩ đến tương lai, người đàn ông thất thểu đi vào bóng đêm.
Ông chỉ nuôi tôm đi nhậu về khuya, thấy người đàn ông ngồi bên gốc cây còng, bèn động lòng trắc ẩn dẫn ra chòi gác vuông tôm ngủ đỡ một đêm. Sáng ra, ông chủ mướn người đàn ông ấy ở lại gác vuông tôm, ông cho ăn ngày hai bữa, lâu lâu lại cho thêm một ly cà phê đá. Chỉ có thế thôi.
4.
Tình cờ, tôi gặp chồng Em ở cổng bệnh viện. Hom hem. Hốc hác. Hai người bá vai dìu nhau vào quán cà phê. Tôi kêu hai ly cà phê đá và hai điếu thuốc Jet.
- Anh đi đâu mà vô bệnh viện vậy?
- Tôi đi khám. Mới mổ bao tử.
- Tại sao hai vợ chồng thôi nhau vâyh?
- Từ ngày mổ bao tử…bất lực luôn. Nó đâu có cần mình nữa…
Tôi không đủ can đảm để nhìn vết thương sâu hoắm của tình đời, tôi bắt tay giã từ chồng Em, rời khỏi quánh cá phê Giọt Đắng. Cà phê đã đắng, đời còn đắng hơn. Buồn quá!
EM.
Chồng Em chẳng có gì để cho. Ruộng vườn là của Em. Nhà cửa là của Em. Chồng Em chỉ có sức lao động để cho, thì bây giờ không còn nữa. Kể cả “cái ấy” để cho, thì bây giờ cũng cạn kiệt rồi. Em tuyệt vọng! Em đoạn tuyệt!
Nhưng không lẽ đời chỉ là thế và tình chỉ có thế? Vợ chồng là chuyện riêng tư của Em, tôi chẳng dám ngó. Những thao thức và thòm thèm của tuổi bốn mươi là chuyện của thiên nhiên và của riêng Em tôi chẳng dám mon men. Nhưng trên tất cả vẫn là tình người. Em là người, tôi  là người, chồng Em cũng là người. Người chẳng nên xử tệ với người.
Và…bé Nguyên, bé Tuyền cũng là người. Hai bé cần tình yêu của mẹ cũng như tình yêu của cha. Em có nhiệm vụ tạo điều kiện để hai bé được hưởng tình cha và để lớn lên mà không mang mặc cảm “không có cha”. Con có cha như nhà có nóc. Em đừng đang tâm phá cái nóc ấy của hai đứa con mà Em vẫn hằng yêu dấu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét