Trang

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

[KNS] Chìa Khóa Cho Những Mối Quan Hệ Tốt Đẹp

Việc giao tiếp tốt với hầu hết bất cứ người nào - chồng hoặc vợ của bạn, xếp, đồng nghiệp, con cái, cha mẹ hoặc bạn bè - đều được dựa trên một số nguyên tắc cư xử cơ bản. Học những cách này, bạn sẽ biết được cách xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và hạnh phúc.
Thành thật. Một mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp phải được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, và sự tôn trọng phụ thuộc vào sự thành thật. Nếu bạn muốn bắt đầu mối quan hệ tốt đẹp với người khác, hãy thành thật và thẳng thắn ngay từ đầu.
Tế nhị. Sự thành thật là rất quan trọng nhưng còn một điều khác cũng quan trọng chính là thái độ yêu thương và quan tâm của bạn, đặc biệt là đối với những người có tính nhạy cảm hay trong những lúc đề cập đến những sự việc có tính nhạy cảm.
Khôn ngoan. Sự khôn ngoan giúp bạn cư xử tế nhị, khôn khéo. Bạn sẽ có được sự khôn ngoan bằng sự từng trải của bản thân hoặc bằng cách cầu xin Thiên Chúa ban cho bạn. Ngài đã hứa với bạn điều ấy trong Kinh Thánh, trong Thư Giacôbê 1,5, nếu bạn biết xin Ngài.
Yêu thương. Khi một người cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm, thì mọi việc trong mắt họ đều tốt đẹp và chính đáng. Bạn có thể nói hoặc làm điều gì đó không đúng, nhưng nếu những người xung quanh nhìn thấy được bạn làm mọi thứ vì tình yêu, thì những vấn đề hay những hiểu lầm nhỏ nhặt sẽ không trở nên to tát.
Luôn cầu nguyện. Lời cầu nguyện thầm lặng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều rất tốt, tuy nhiên đôi khi việc cầu nguyện thành lời cùng với nhau có thể giúp bạn kết nối với thế giới tâm linh một cách lạ lùng. Cầu nguyện cùng nhau sẽ tạo nên một bầu không khí yên bình và sự hiệp nhất. Và một khi bạn nhận biết rằng mình cần đến những ý nghĩ và sự giúp đỡ của Đức Chúa, Ngài rất vui lòng ban cho bạn.
Tích cực. Một người lạc quan vui vẻ sẽ có những hành động tích cực. Những lời thăm hỏi động viên chân thành luôn được người khác cảm kích.
Chủ độmg. Việc sợ bị hiểu lầm hay sợ bị từ chối thường kéo cả hai người xa nhau hơn. Bước đầu tiên chính là thể hiện sự tin tưởng của bạn đối với người khác, như thế sẽ giúp họ vượt qua bất cứ sự dè dặt nào.
Thời gian thích hợp. Việc biết rõ khi nào nên nói cũng quan trọng như việc biết rõ nên nói điều gì, “Lòng người khôn ngoan biết được thời được buổi” (Gv 8,5).
Nhạy cảm. Nhạy cảm về chính những nhu cầu của mình là không tốt vì như thế cảm xúc của bạn dễ bị tổn thương, tuy nhiên việc nhạy cảm trước những điều thích hoặc không thích, những nhu cầu và tình cảm của người khác là rất tốt.
Cởi mở. Ý kiến của mỗi người và cách mỗi người tiếp cận vấn đề đều khác nhau. Việc ngừng đưa ra những suy nghĩ của bạn, và thinh lặng để người khác bày tỏ hết những cảm xúc của họ chính là bạn đang bày tỏ sự tôn trọng và làm tăng cường tính tích cực, hiệu quả của cuộc trò chuyện. Mọi người sẽ cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với bạn và có thể họ sẽ đến nhờ bạn khuyên nhủ nếu họ biết bạn luôn cởi mở trước những gì họ nói ra cho dù bạn không đồng ý.
Thông cảm. Hãy đặt bạn vào vị trí của người khác và cố thấu hiểu cảm xúc đang che giấu phía sau những gì cô ta hoặc anh ta đang nói.
Kiên nhẫn. Đôi lúc rất khó lắng nghe tuyệt đối mà không có sự xen ngang, cố thúc họ nói nhanh hoặc nói hết câu dùm họ. Tuy nhiên cách thể hiện tình yêu và sự tôn trọng mới là cách thành công.
Hài hước. Cười đùa đôi chút có thể làm cho những cuộc tranh luận không trở nên căng thẳng. Hãy làm nhẹ bớt ưu phiền!
Dễ gần. Từ điển định nghĩa sự dễ gần chính là “rất mực thân thiện; rất dễ để nói chuyện”. Một khi ai đó biết rằng bạn sẽ dành thời gian cho anh ta hoặc cô ta, chính là bạn đã chinh phục được một người bạn.
Rõ ràng. Sẽ giảm bớt hiểu lầm nếu mọi người đừng nói quanh co hoặc trả lời không rõ ràng. Đừng để người khác phải đoán; hãy nói rõ điều bạn muốn. Nếu bạn không chắc rằng họ có hiểu những gì bạn nói hay không, hãy hỏi lại họ.
Nổ lực. Đôi khi giao tiếp là một việc rất khó khăn - nhưng phần thưởng rất đáng giá!
Dài lâu. Những người thường xuyên giao tiếp với nhau sẽ hiểu nhau dễ dàng hơn và cũng có thể dễ làm việc với nhau khi có nảy sinh vấn đề.
Thiên Ân dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét